Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt diệu, cho bé sự khởi đầu an toàn, vững chắc. Người mẹ có sữa nhiều và tốt không phải chỉ do “trời cho” mà tùy thuộc vào cách khơi nguồn, cách chăm sóc sức khỏe để chất lượng sữa được đảm bảo.
Cho con bú ngay càng sớm càng tốt
Nhiều mẹ sinh xong không cho con bú ngay vì cho rằng mình chưa có sữa. Tuy nhiên, cho bé bú càng sớm, sữa càng tiết nhanh, bé bú càng nhiều, sữa càng dồi dào.
Do sữa non rất giàu năng lượng, bé chỉ cần một lượng ít là đủ nên người mẹ không cảm nhận được khi cho bé, cứ nghĩ là “sữa chưa về”. Thực ra từ giữa thai kỳ, người mẹ đã có sữa non chứ không đợi đến lúc sinh. Không cho bé bú mẹ, vài ngày sau sinh, người mẹ dễ bị tắc tuyến sữa. Lúc này mẹ có thể lấy lược chải lên bầu vú vì đây là một cách massage tuyến vú, điều trị chứng tắc sữa nhẹ.
Cho con bú trong giờ đầu sau sinh sẽ giúp sữa căng sớm trong vòng năm – sáu giờ đầu so với 24 – 48 giờ nếu cho bú muộn. Đối với mẹ sinh mổ thì có thể cho con bú ngay khi mẹ được ra khỏi phòng hồi sức. Nếu mẹ còn đau do vết mổ, thì cho con nằm sấp trên ngực mẹ để bú sữa non.
Nên sớm bắt đầu cho trẻ bú ngay giờ đầu sau sinh. Có thể lúc này bà mẹ còn mệt mỏi nhưng đứa trẻ đã bắt đầu đòi bú. Nếu trẻ khỏe mạnh thì phản xạ nút sẽ mạnh. Những giọt sữa non đầu tiên chưa thực sự dồi dào nhưng lại chứa nhiều chất bổ dưỡng, rất cần thiết cho bé, nhất là trong những ngày đầu đời.
Sau những cữ bú đầu tiên, động tác nút của bé và sự phục hồi sức khỏe của mẹ sẽ làm 2 bầu vú “lên sữa” và sữa trưởng thành sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu hàng ngày của bé. Trẻ bú càng nhiều thì cơ thể mẹ càng tạo thêm nhiều sữa. Không nên xin sữa của bà mẹ khác cho con mình bú vì có nhiều bệnh có thể lây qua sữa mẹ như nhiễm HIV, viêm gan siêu vi B, C …
Cho con bú đúng cách
Do sợ hai bầu vú mất cân đối, nhiều người mẹ đã cho bé bú cả hai vú trong cùng một cữ. Nếu mẹ ít sữa thì cả hai vú sẽ được bé “thanh toán” hết trong một lần bú, nhưng nếu nhiều sữa, bé chỉ bú vơi chứ không thể cạn cả hai vú, như thế sẽ làm hạn chế kích thích tiết sữa.
Hơn nữa, nhiều khi bé bú chưa cạn vú mà mẹ đã chuyển sang bú bên kia, làm bé chỉ mới bú sữa đầu, chưa được bú sữa cuối đầy đủ dưỡng chất khiến bé chậm tăng cân. Do đó mẹ cần cho bé bú cạn hết một bên vú rồi mới chuyển qua vú còn lại.
Trong 6 tháng đầu đời, sữa mẹ đã được cân bằng dưỡng chất, đủ nước nên mẹ không cần cho bé uống nước. Mẹ nên cho bé bú theo nhu cầu chứ không nên cho bú theo giờ. Cho trẻ bú cả ngày lẫn đêm.
Thông thường trẻ bú mẹ sau mỗi 2 đến 3 giờ, mỗi lần từ 15 đến 30 phút. Tuy nhiên, bé sơ sinh thường ngủ nhiều, nếu bé ngủ quá nhiều, mẹ cần phải đánh thức bé và cho bú cách khoảng hai giờ một lần. Bé sinh thiếu tháng cũng có xu hướng lười bú, mẹ cần canh giờ cho bú chứ không đợi bé khóc đòi.
Tuần đầu đời, bé dễ bị vàng da, nếu không cho bú đủ từ 8-12 lần/ngày thì chứng vàng da sẽ nặng thêm.
Và sau đây là 8 tư thế cho con bú đúng nha các mẹ:
1. Cách cho con bú theo tư thế nằm nghiêng
Mẹ nằm nghiêng và song song với bé. Tay mẹ đỡ lấy đầu bé và hướng dẫn cho bé quay mặt sang vú mẹ để bú.
Với tư thế này mẹ cũng được thư giãn mà bé cũng nằm khá dễ chịu.

Tư thế bú nằm nghiêng.
2. Cách cho con bú theo tư thế bế hình nôi – cánh tay cùng phía
Với tư thế bế hình nôi mẹ ngồi vững chắc và bế trẻ nằm ôm vào lòng, hai tay tạo thành vòng cung vững chắc cho trẻ. Tay dùng để đỡ trẻ chính là tay cùng phía với bầu ngực trẻ đang bú.

Tư thế bú hình cánh nôi - cùng phía
3. Cách cho con bú theo tư thế bế hình nôi – cánh tay phía đối diện
Tư thế này giống với tư thế ở trên. Tuy nhiên cánh tay dùng để đỡ bé là cánh tay ngược lại với bầu vú bé đang bú. Động tác này phù hợp với mẹ chỉ sử dụng thuần thục được một tay thuận, giúp bé bú được cả hai bầu vú mà vẫn giữ bé được an toàn.

Tư thế bú hình cánh nôi - phía đối diện
4. Cách cho con bú theo tư thế ngả lưng về sau (cho bú sinh học)
Mẹ nằm ngả lưng về sau, nên dựa lưng vào vách hoặc có gối kê để lưng được giữ nghiêng khoảng một góc 45 độ. Lúc này bé được đặt nằm trên bụng và tì vào ngực mẹ để bú, mẹ không cần phải dùng sức quá nhiều để giữ bé.

Tư thế bú ngã lưng về sau
5. Cách cho con bú theo tư thế ngả lưng về sau sau khi sinh mổ
Tư thế này áp dụng cho các mẹ sinh mổ nhằm tránh bé động vào vết thương phẫu thuật trên bụng. Mẹ nằm hơi ngả lưng về phía sau và bé nằm dọc theo chiều ở trên người mẹ.

Tư thế bú ngã lưng về sau khi sinh mổ
6. Cách cho con bú theo tư thế giữ Koala
Tư thế này được mô phỏng theo tư thế của những chú gấu Koala khi cho con bú. Mẹ sẽ dùng đầu gối làm điểm tựa để giữ bé khi cho bé ngồi lên và mẹ ngồi thẳng đứng vừa tầm cho con chạm vào bầu sữa mẹ để bú.

Tư thế Koala
7. Cách cho con bú theo tư thế giữ bóng bầu dục
Giống như khi ôm một trái bóng bầu dục vậy, mẹ cũng sẽ ôm bé ngang qua lòng khi thực hiện động tác này. Với cách này mẹ sẽ đỡ mỏi tay hơn nhiều đấy.

Tư thế bóng bầu dục
8. Cách cho con bú theo tư thế bế song sinh
Nếu mẹ sinh đôi và muốn cho hai con bú cùng lúc thì chắc chắn mẹ nên áp dụng tư thế song sinh. Để có thể giữ được hai bé mẹ nên dùng một tấm đệm lót chung và nhẹ nhàng nâng đỡ hai bé trên tay của mình.

Tư thế song sinh
Mẹ có thể gắn bó với một tư thế thuận tiện nhất. Nhưng khi thành thạo tất cả các tư thế trên sẽ giúp mẹ cho con bú dễ dàng hơn, cũng như luôn "làm mới" công việc thiêng liêng này.